AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành Quy chế cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Công thương quản lý

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành Quy chế cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Công thương quản lý

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 49/2008/QĐ-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2008                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Ban hành Quy chế cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Công thương quản lý

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin và Chánh Văn phòng Bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Công Thương quản lý.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do bộ công thương quản lý

(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nội dung, nguyên tắc xây dựng kế hoạch và quy trình tổ chức thực hiện cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Công Thương quản lý theo Danh mục tại Phụ lục 1 của Quy chế này.

Điều 2. Đối thượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các tổ chức được Bộ Công Thương phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp các dịch vụ công, các tổ chức và cá nhân liên quan tới việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ công do Bộ Công Thương quản lý là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do Bộ Công Thương hoặc các tổ chức được Bộ Công Thương phân cấp, ủy quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức văn bản có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương hoặc hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

2. Cung cấp trực tuyến dịch vụ công là việc ứng dụng môi trường mạng máy tính điện tử để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ công, bao gồm thông tin về quy trình, thủ tục, biểu mẫu, tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả và các văn bản liên quan tới dịch vụ công đó.

3. Văn bản điện tử là chứng từ, biểu mẫu, hồ sơ, giấy phép, giấy chứng nhận và các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu.

Chương II

VĂN BẢN ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG

Điều 4. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử

Trong hoạt động cung cấp trực tuyến các dịch vụ công, văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản nếu thông tin chứa trong văn bản điện tử đó có thể truy cập được để sử dụng khi cần thiết và thỏa mãn các quy định cụ thể của từng dịch vụ công trực tuyến.

Điều 5. Thời điểm gửi, nhận văn bản điện tử

1. Thời điểm gửi một văn bản điện tử là thời điểm văn bản điện tử đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay của bên đại diện cho người khởi tạo. Trong trường hợp văn bản điện tử không rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay của bên đại diện cho người khởi tạo, thời điểm gửi là thời điểm nhận được văn bản điện tử.

2. Thời điểm nhận một văn bản điện tử là thời điểm người nhận có thể truy cập được văn bản điện tử đó tại một địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra. Thời điểm nhận một văn bản điện tử ở địa chỉ điện tử khác của người nhận là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử tại địa chỉ này và người nhận biết rõ văn bản điện tử đã được gửi tới địa chỉ này.

Người nhận được coi là có thể truy cập được một văn bản điện tử khi văn bản điện tử đó tới được địa chỉ điện tử của người nhận.

Điều 6. Địa điểm gửi, nhận văn bản điện tử

Trừ khi có quy định khác tại từng dịch vụ công trực tuyến, địa điểm gửi và nhận văn bản điện tử của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương là trụ sở chính của Bộ tại số 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điều 7. Tiếp nhận và lưu trữ văn bản điện tử

1. Văn bản điện tử gửi đến Bộ Công Thương phải được sao lưu trong hệ thống lưu trữ điện tử.

2. Việc sao lưu hoặc các biện pháp tiếp nhận khác phải chỉ ra được thời gian gửi và nhận văn bản điện tử.

3. Văn bản điện tử của cơ quan nhà nước phải được đưa vào hồ sơ lưu trữ theo cách bảo đảm tính xác thực, an toàn và khả năng truy nhập văn bản điện tử đó.

Điều 8. Xây dựng thống nhất văn bản điện tử

Các đơn vị chủ trì quản lý, cung cấp các dịch vụ công phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin xây dựng văn bản điện tử sử dụng trong hoạt động cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Các văn bản điện tử này phải tuân theo các quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Thông tin đơn giản, dễ hiểu, không chồng chéo và phù hợp với quy trình công việc liên quan.

2. Khuôn dạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định để dễ dàng tải xuống, hiển thị và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến.

3. Thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu được khai thác để giảm việc nhập lại.

Chương III

NỘI DUNG VÀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG

Điều 9.
Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin có trách nhiệm đầu tư xây dựng, khai thác, duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin và môi trường mạng của Bộ Công Thương theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định của Nhà nước.

Điều 10. Bảo đảm tương thích về công nghệ

1. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử sử dụng trong việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Quy chuẩn này phải hỗ trợ cho việc trao đổi dữ liệu điện tử quốc tế.

2. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin số và các hệ thống thông tin số trong hoạt động cung cấp trực tuyến các dịch vụ công.

3. Tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với thông tin được trao đổi giữa hệ thống thông tin của tổ chức đó với hệ thống thông tin của Bộ Công Thương.

Điều 11. Phổ biến và hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị có trách nhiệm:

1. Công bố danh mục, lộ trình cung cấp các dịch vụ công trên môi trường mạng.

2. Hướng dẫn các đối tượng sử dụng dịch vụ công về pháp lý, công nghệ, kỹ năng và các điều kiện khác để các đối tượng này tham gia thành công các dịch vụ công trực tuyến do Bộ Công Thương quản lý và cung cấp.

3. Thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tham gia các dịch vụ công trực tuyến.

Điều 12. Bảo vệ thông tin cá nhân

1. Các đơn vị thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trong hoạt động cung cấp trực tuyến dịch vụ công phải thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Luật Công nghệ thông tin và các quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân.

2. Các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân bao gồm: thông báo mục đích sử dụng thông tin cá nhân, giám sát quá trình xử lý thông tin cá nhân, ban hành thủ tục kiểm tra, đính chính hoặc huỷ bỏ thông tin cá nhân và các biện pháp kỹ thuật khác.

3. Các đơn vị nắm giữ thông tin thuộc bí mật cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ những thông tin đó và chỉ được phép cung cấp, chia sẻ cho bên thứ ba có thẩm quyền trong những trường hợp phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 13. Bảo vệ bí mật kinh doanh

Các đơn vị nắm giữ bí mật kinh doanh của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động cung cấp trực tuyến dịch vụ công có trách nhiệm bảo vệ những thông tin đó theo quy định của pháp luật.

Chương IV

XÂY DỰNG, PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG

Điều 14. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin và Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do đơn vị quản lý hoặc trực tiếp cung cấp và xin ý kiến thẩm định theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp kế hoạch của các đơn vị trình Bộ trưởng phê duyệt.

Thời gian xây dựng, thẩm định và trình duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công thực hiện theo Phụ lục 2 của Quy chế này.

Điều 15. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công

1. Phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về thuận lợi hóa thương mại và thương mại phi giấy tờ.

2. Phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Nhà nước; chiến lược, quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và thương mại điện tử trên phạm vi quốc gia và ngành công thương.

3. Phù hợp với các chương trình, đề án cải cách hành chính trên phạm vi quốc gia và ngành công thương.

Điều 16. Nội dung cơ bản của kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công

1. Danh mục các dịch vụ công do đơn vị quản lý hoặc trực tiếp cung cấp.

2. Sự cần thiết: nêu rõ tình hình cung cấp từng dịch vụ công và sự cần thiết phải cung cấp trực tuyến dịch vụ công đó.

3. Mục tiêu: nêu những mục tiêu của việc cung cấp trực tuyến từng dịch vụ công, bao gồm mục tiêu về công khai minh bạch, giảm chi phí cho các đối tượng sử dụng dịch vụ công, giảm bớt đầu mối trung gian, tạo lập cơ sở dữ liệu liên quan.

4. Nội dung và tiến độ: xác định rõ nội dung công việc cần thực hiện và tiến độ thực hiện.

5. Dự toán kinh phí: xác định kinh phí cho việc cung cấp trực tuyến từng dịch vụ công, bao gồm kinh phí đầu tư ban đầu và kinh phí vận hành hàng năm; phân rõ cơ cấu nguồn: kinh phí đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, kinh phí hành chính sự nghiệp, kinh phí đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn khác.

6. Tổ chức thực hiện: nêu phương án tổ chức thực hiện; đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đối tượng thụ hưởng, địa điểm thực hiện.

7. Hiệu quả: nêu rõ hiệu quả về kinh tế và xã hội, những lợi ích có được như rút ngắn thời gian cung cấp, giảm chi phí cho đối tượng sử dụng, cơ sở dữ liệu được cập nhật một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác.

Điều 17. Quy trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch

1. Thẩm định về thủ tục hành chính và công nghệ

a) Văn phòng Bộ thẩm định về sự phù hợp với các chính sách, chương trình, đề án cải cách hành chính của nhà nước và của Bộ Công Thương;

b) Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thẩm định sự phù hợp với chính sách, chiến lược, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

2. Thẩm định về đầu tư và kinh phí

a) Vụ Kế hoạch thẩm định sự phù hợp của kế hoạch với hoạt động đầu tư phát triển của Bộ và kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển;

b) Vụ Tài chính thẩm định về sự phù hợp của kế hoạch với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động hành chính sự nghiệp.

3. Phê duyệt kế hoạch

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp kế hoạch của các đơn vị trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp cùng Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính và Văn phòng Bộ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có chức năng quản lý và cung cấp dịch vụ công chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai cung cấp trực tuyến dịch vụ công theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tổng hợp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Quy chế./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
 
 
Lê Danh Vĩnh


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqcccttcdvcdbctql484